Xây dựng chính quyền và thực hiện pháp luật Xây dựng chính quyền và thực hiện pháp luật

Tìm hiểu một số nội dung cơ bản Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội và Nghị định số 32/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội
28/06/2021 | 10:05  | Lượt xem: 382

Câu 1. Việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội được áp dụng đối với những đối tượng nào?

Trả lời: Theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 32/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội (sau đây gọi tắt là Nghị định số 32/2021/NĐ-CP) thì việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội được áp dụng cho các đối tượng sau:

- Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.

- Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân quận, thị xã thuộc thành phố Hà Nội.

- Ủy ban nhân dân phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội.

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Câu 2. Việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội được quy định như thế nào? Thời điểm thực hiện mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội ?

Trả lời:

Theo Điều 1 Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021) thì tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội như sau:

- Chính quyền địa phương ở thành phố Hà Nội, huyện, quận, thị xã, xã, thị trấn là cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân;

- Chính quyền địa phương ở các phường thuộc quận, thị xã tại thành phố Hà Nội là Ủy ban nhân dân phường.

Ủy ban nhân dân phường là cơ quan hành chính nhà nước ở phường, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Nghị quyết số 97/2019/QH14 và theo phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, thị xã.

- Việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội được thực hiện từ ngày 01 tháng 7 năm 2021 cho đến khi Quốc hội quyết định chấm dứt việc thực hiện thí điểm.

Câu 3. Hội đồng nhân dân quận, thị xã có nhiệm vụ, quyền hạn gì?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 2 Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội thì Hội đồng nhân dân quận, thị xã thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, quy định khác của pháp luật có liên quan và các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Quyết định, phân bổ, điều chỉnh dự toán thu, chi ngân sách; phê chuẩn quyết toán thu, chi ngân sách quận, thị xã, trong đó bao gồm ngân sách của các phường trực thuộc, theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước;

2. Quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án nhóm B, nhóm C sử dụng vốn đầu tư công tại các phường trực thuộc theo quy định của Luật Đầu tư công;

3. Thông qua chủ trương thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phường trực thuộc quận, thị xã;

4. Giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật và việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp mình ở phường; giám sát hoạt động của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường.

Câu 4. Ủy ban nhân dân quận, thị xã có nhiệm vụ, quyền hạn gì?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 3 Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội thì Ủy ban nhân dân quận, thị xã thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, quy định khác của pháp luật có liên quan và các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

- Xây dựng, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định các nội dung: Quyết định, phân bổ, điều chỉnh dự toán thu, chi ngân sách; phê chuẩn quyết toán thu, chi ngân sách quận, thị xã, trong đó bao gồm ngân sách của các phường trực thuộc, theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước; Quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án nhóm B, nhóm C sử dụng vốn đầu tư công tại các phường trực thuộc theo quy định của Luật Đầu tư công và tổ chức thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân.

Căn cứ vào nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp, quyết định giao và điều chỉnh nhiệm vụ thu, chi ngân sách cho các phường trực thuộc, quyết định chủ trương, biện pháp triển khai thực hiện ngân sách;

- Quyết định và tổ chức thực hiện nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh, biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh, phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác trên địa bàn các phường trực thuộc.

Câu 5. Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, thị xã có nhiệm vụ, quyền hạn gì?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 4 Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, thị xã thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, quy định khác của pháp luật có liên quan và các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường;

2. Tuyển dụng, sử dụng, quản lý, khen thưởng, kỷ luật công chức phường;

3. Đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật của Ủy ban nhân dân phường.

Câu 6. Ủy ban nhân dân phường có nhiệm vụ, quyền hạn gì?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 5 Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội thì Ủy ban nhân dân phường có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị dự toán ngân sách trực thuộc Ủy ban nhân dân quận, thị xã theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước;

2. Đề xuất chủ trương đầu tư chương trình, dự án đầu tư công sử dụng vốn ngân sách nhà nước với Ủy ban nhân dân quận, thị xã; tham gia ý kiến về chủ trương đầu tư dự án thuộc thẩm quyền quyết định của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền mà Luật Đầu tư công quy định phải có sự tham gia ý kiến của Hội đồng nhân dân cấp xã; tổ chức thực hiện chương trình, dự án đầu tư công theo phân cấp quản lý;

3. Đề xuất, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh, biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh, phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác trên địa bàn theo phân cấp quản lý;

4. Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành lập Tổ bầu cử đại biểu Quốc hội, Tổ bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân; tổ chức thực hiện việc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân theo quy định của pháp luật;

5. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn do Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, quận, thị xã phân cấp, ủy quyền;

6. Thực hiện các nhiệm vụ về tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp, pháp luật, các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên trên địa bàn phường và các nhiệm vụ, quyền hạn khác của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường theo quy định của pháp luật.

Ủy ban nhân dân phường không có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Câu 7. Ủy ban nhân dân phường có cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc như thế nào?

Trả lời:

- Theo quy định tại Khoản 1, Điều 6 Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội thì Ủy ban nhân dân phường có cơ cấu tổ chức, như sau:

+ Ủy ban nhân dân phường gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các công chức khác của phường. Ủy ban nhân dân phường loại I và loại II có không quá 02 Phó Chủ tịch; phường loại III có 01 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân.

+ Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường là công chức giữ chức danh lãnh đạo, quản lý của Ủy ban nhân dân phường.

- Theo quy định tại Khoản 1, Điều 6 Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội thì Ủy ban nhân dân phường làm việc theo chế độ thủ trưởng, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, như sau:

+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường là người đứng đầu Ủy ban nhân dân phường, chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, thị xã và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân phường; trực tiếp quản lý, sử dụng công chức phường theo quy định của Chính phủ và phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, quận, thị xã; ký các văn bản của Ủy ban nhân dân phường.

+ Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường thực hiện các công việc theo phân công của Chủ tịch Ủy ban nhân dân và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân về nhiệm vụ được phân công. Khi Chủ tịch Ủy ban nhân dân vắng mặt, một Phó Chủ tịch được Chủ tịch ủy nhiệm thay mặt Chủ tịch điều hành và giải quyết công việc của Ủy ban nhân dân phường.

Câu 8. Việc quản lý công chức làm việc tại Ủy ban nhân dân phường được quy định như thế nào?

Trả lời: Điều 3 Nghị định số 32/2021/-CP quy định việc quản lý công chức làm việc tại Ủy ban nhân dân phường như sau:

- Biên chế công chức làm việc tại Ủy ban nhân dân phường thuộc biên chế công chức của Ủy ban nhân dân quận, thị xã và do Ủy ban nhân dân quận, thị xã quản lý, sử dụng.

- Căn cứ quy định của pháp luật về thẩm quyền và phân cấp, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, thị xã thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức làm việc tại Ủy ban nhân dân phường.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, thị xã quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật, tạm đình chỉ công tác đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường; khen thưởng, kỷ luật công chức làm việc tại Ủy ban nhân dân phường; giao quyền Chủ tịch phường theo quy định của pháp luật.

- Sở Nội vụ thành phố Hà Nội thực hiện hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức làm việc tại Ủy ban nhân dân phường.

Câu 9. Cán bộ thuộc tổ chức Đảng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở phường được quy định như thế nào?

Trả lời: Điều 4 Nghị định số 32/2021/-CP quy định cán bộ thuộc tổ chức Đảng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở phường như sau:

Việc sử dụng, quản lý và chế độ, chính sách đối với cán bộ cấp xã thuộc tổ chức Đảng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội ở phường thực hiện theo quy định của Đảng, pháp luật và hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.

Câu 10. Người hoạt động không chuyên trách ở phường, tổ dân phố được quy định như thế nào?

Trả lời: Điều 5 Nghị định số 32/2021/-CP quy định về người hoạt động không chuyên trách như sau:

Căn cứ vào đặc điểm tình hình, yêu cầu của thực tiễn và ngân sách Thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định số lượng, chức danh và chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở phường và ở tổ dân phố theo quy định của pháp luật.

Câu 11. Cơ cấu tổ chức của Ủy ban nhân dân phường được quy định như thế nào?

Trả lời: Điều 6 Nghị định số 32/2021/-CP quy định cơ cấu tổ chức của Ủy ban nhân dân phường như sau:

- Cơ cấu tổ chức của Ủy ban nhân dân phường gồm: Chủ tịch phường; Phó Chủ tịch phường; Trưởng Công an phường; Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự phường; Các công chức khác: Văn phòng - Thống kê; Địa chính - Xây dựng - Đô thị và Môi trường; Tài chính - Kế toán; Tư pháp - Hộ tịch; Văn hóa - Xã hội.

- Công chức làm việc tại Ủy ban nhân dân phường là người được tuyển dụng, bổ nhiệm giữ chức danh thuộc cơ cấu tổ chức của Ủy ban nhân dân phường.

Câu 12. Nguyên tắc hoạt động của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch phường được quy định như thế nào?

Trả lời: Theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 32/2021/-CP thì nguyên tắc hoạt động của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch phường được quy định như sau:

- Ủy ban nhân dân phường làm việc theo chế độ thủ trưởng. Chủ tịch phường là người đứng đầu, có trách nhiệm lãnh đạo, quản lý, điều hành công việc của Ủy ban nhân dân phường theo quy chế làm việc của Ủy ban nhân dân phường, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ và tuân thủ các quy định của pháp luật.

- Chủ tịch phường tổ chức cuộc họp để thảo luận tập thể về các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân phường: Đề xuất chủ trương đầu tư chương trình, dự án đầu tư công sử dụng vốn ngân sách nhà nước với Ủy ban nhân dân quận, thị xã; tham gia ý kiến về chủ trương đầu tư dự án thuộc thẩm quyền quyết định của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền mà Luật Đầu tư công quy định phải có sự tham gia ý kiến của Hội đồng nhân dân cấp xã; tổ chức thực hiện chương trình, dự án đầu tư công theo phân cấp quản lý; đề xuất, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh, biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh, phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác trên địa bàn theo phân cấp quản lý trước khi quyết định những vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy ban nhân dân phường và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

 Tập thể quy định gồm: Chủ tịch phường, Phó Chủ tịch phường, Trưởng Công an phường, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự phường và các công chức khác có liên quan.

- Chủ tịch phường được ủy quyền cho công chức Tư pháp - Hộ tịch thực hiện ký chứng thực và đóng dấu của Ủy ban nhân dân phường đối với việc chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp hoặc chứng nhận; chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản theo quy định của pháp luật.

Công chức Tư pháp - Hộ tịch được ủy quyền phải có kinh nghiệm từ 3 năm công tác trở lên ở lĩnh vực Tư pháp - Hộ tịch.

- Phó Chủ tịch phường giúp Chủ tịch phường giải quyết các công việc theo phân công của Chủ tịch phường, chịu trách nhiệm trước Chủ tịch phường và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công. Khi Chủ tịch phường vắng mặt, một Phó Chủ tịch được Chủ tịch ủy nhiệm thay mặt Chủ tịch điều hành và giải quyết công việc của Ủy ban nhân dân phường.

- Trường hợp khuyết Chủ tịch phường thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, thị xã có quyết định giao quyền Chủ tịch phường cho một Phó Chủ tịch phường cho đến khi có Chủ tịch phường mới.

- Hoạt động của Ủy ban nhân dân phường nhằm đáp ứng sự hài lòng của người dân, tuân thủ trình tự, thủ tục, đúng thẩm quyền được giao, theo đúng quy định của pháp luật và quy chế làm việc của Ủy ban nhân dân phường.

- Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng dịch vụ công trực tuyến vào giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức tại phường theo quy định của pháp luật, bảo đảm các hoạt động của Ủy ban nhân dân phường phải dân chủ, công khai, minh bạch, thống nhất, thông suốt.

Câu 13. Việc tổ chức các cuộc họp của Ủy ban nhân dân phường được quy định như thế nào?

Trả lời: Điều 8 Nghị định số 32/2021/NĐ-CP quy định việc tổ chức các cuộc họp của Ủy ban nhân dân phường như sau:

- Việc tổ chức các cuộc họp của Ủy ban nhân dân phường thực hiện theo quy chế làm việc của Ủy ban nhân dân phường, do Chủ tịch phường triệu tập để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.

-  Khi nội dung cuộc họp có các vấn đề liên quan, Chủ tịch phường mời Bí thư đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam của phường, người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội của phường, bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố, đại diện cơ quan chuyên môn có liên quan thuộc Ủy ban nhân dân quận, thị xã tham gia cuộc họp của Ủy ban nhân dân phường.

- Kết luận cuộc họp liên quan đến người dân phải được đưa tin trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân phường theo quy định của pháp luật và quy chế làm việc của Ủy ban nhân dân phường để thông tin công khai và kịp thời đến các cơ quan, tổ chức và Nhân dân biết, thực hiện.

 

Câu 14. Nghị định số 32/2021/NĐ-CP quy định Chủ tịch phường có những trách nhiệm gì?

Trả lời: Theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 32/2021/NĐ-CP thì Chủ tịch phường có trách nhiệm sau:

1. Chủ tịch phường là người đứng đầu Ủy ban nhân dân phường, chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, thị xã và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân phường.

2. Trực tiếp quản lý và sử dụng công chức làm việc tại Ủy ban nhân dân phường theo quy định tại Nghị định này và theo phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố và Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, thị xã.

3. Chủ tịch phường chịu trách nhiệm quản lý toàn diện mọi hoạt động của Ủy ban nhân dân phường.

4. Ký các văn bản của Ủy ban nhân dân phường với chức danh Chủ tịch, người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước ở phường và chịu trách nhiệm về các văn bản của Ủy ban nhân dân phường.

5. Thực hiện nghĩa vụ của công chức và chấp hành quy định về những việc công chức không được làm quy định tại Luật Cán bộ, công chức và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

 Câu 15. Nghị định số 32/2021/NĐ-CP quy định Phó Chủ tịch phường có trách nhiệm gì?

Trả lời: Theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 32/2021/NĐ-CP thì Phó Chủ tịch phường có trách nhiệm sau:

1. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân phường trong phạm vi lĩnh vực được Chủ tịch phường phân công.

2. Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch phường, trước pháp luật khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong phạm vi lĩnh vực được phân công.

3. Ký thay Chủ tịch phường các văn bản của Ủy ban nhân dân phường khi được Chủ tịch phường phân công.

4. Thực hiện nghĩa vụ của công chức và chấp hành quy định về những việc công chức không được làm quy định tại Luật Cán bộ, công chức và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Câu 16. Các công chức khác của phường có trách nhiệm gì?

Trả lời: Theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 32/2021/NĐ-CP thì các công chức khác của phường có những trách nhiệm sau:

1. Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch phường và Phó Chủ tịch phường phụ trách trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực chuyên môn được Chủ tịch phường phân công theo đúng quy định của pháp luật.

2. Chủ động tham mưu, đề xuất giải quyết công việc được giao theo đúng quy định về thời gian, kết quả và thẩm quyền; tận tụy phục vụ Nhân dân, không gây khó khăn, phiền hà cho Nhân dân. Nếu vấn đề giải quyết vượt thẩm quyền, phải báo cáo Chủ tịch phường hoặc Phó Chủ tịch phường phụ trách xem xét, quyết định.

3. Tuân thủ quy chế làm việc của Ủy ban nhân dân phường, chấp hành nghiêm túc sự phân công nhiệm vụ của Chủ tịch phường; giải quyết công việc theo đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, bảo đảm tiến độ, chất lượng công việc.

4. Không chuyển công việc thuộc trách nhiệm của mình cho công chức khác; không tự ý giải quyết các công việc thuộc trách nhiệm của công chức khác. Trường hợp nội dung công việc có liên quan đến công chức khác mà có ý kiến khác nhau thì phải báo cáo Chủ tịch phường xem xét, quyết định.

5. Công chức Tư pháp - Hộ tịch chịu trách nhiệm trước Chủ tịch phường và pháp luật về việc thực hiện nội dung được ủy quyền ký chứng thực và đóng dấu của Ủy ban nhân dân phường đối với việc chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp hoặc chứng nhận; chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản theo quy định của pháp luật, không được ủy quyền tiếp cho cá nhân khác thực hiện nội dung đã được ủy quyền.

6. Chịu trách nhiệm lập, bảo quản, lưu trữ hồ sơ tài liệu liên quan đến công tác chuyên môn; thực hiện chế độ báo cáo kịp thời, chính xác tình hình lĩnh vực công việc được giao theo quy định với Chủ tịch, Phó Chủ tịch phường phụ trách.

7. Thực hiện nghĩa vụ của công chức và chấp hành quy định về những việc công chức không được làm quy định tại Luật Cán bộ, công chức và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Câu 17. Việc tổ chức hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch phường với Nhân dân được quy định như thế nào?

Trả lời: Theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 32/2021/NĐ-CP thì việc tổ chức hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch phường với Nhân dân được quy định như sau:

- Hằng năm ít nhất hai lần, trước kỳ họp thường kỳ của Hội đồng nhân dân quận, thị xã, Chủ tịch phường có trách nhiệm tổ chức hội nghị đối thoại với Nhân dân ở phường về những vấn đề liên quan đến quyền lợi và nguyện vọng chính đáng của công dân ở địa phương.

Căn cứ vào quy mô dân số của phường, Chủ tịch phường có thể tổ chức đối thoại với Nhân dân qua các đại diện tổ dân phố.

Ủy ban nhân dân phường phải thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và gửi thông báo đến Tổ trưởng tổ dân phố về thời gian, địa điểm, nội dung của hội nghị đối thoại với Nhân dân chậm nhất là 07 ngày trước ngày tổ chức hội nghị.

- Kết quả hội nghị đối thoại phải được gửi đến Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, thị xã, Tổ trưởng Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân quận, thị xã ở phường trước 07 ngày khai mạc kỳ họp thường kỳ gần nhất của Hội đồng nhân dân quận, thị xã.

Câu 18. Quan hệ công tác của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch phường với Hội đồng nhân dân quận, thị xã được được quy định như thế nào?

Trả lời: Theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 32/2021/NĐ-CP thì quan hệ công tác của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch phường với Hội đồng nhân dân quận, thị xã được quy đinh như sau:

- Ủy ban nhân dân, Chủ tịch phường chịu sự giám sát của Hội đồng nhân dân quận, thị xã trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn; việc tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân quận, thị xã và Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội.

- Hàng quý, báo cáo kết quả hoạt động với Hội đồng nhân dân quận, thị xã hoặc báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Hội đồng nhân dân quận, thị xã. Chủ tịch phường chịu trách nhiệm giải trình các vấn đề có liên quan trước Hội đồng nhân dân quận, thị xã khi có yêu cầu.

Câu 19. Quan hệ công tác của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch phường với Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, thị xã và các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân quận, thị xã được quy định như thế nào?

Trả lời: Theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 32/2021/NĐ-CP thì quan hệ công tác của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch phường với Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, thị xã và các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân quận, thị xã được quy định như sau:

- Chủ tịch phường chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, thị xã. Khi gặp những vấn đề vượt thẩm quyền, Chủ tịch phường phải báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, thị xã; thực hiện chế độ báo cáo với Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, thị xã theo quy định.

- Ủy ban nhân dân phường chấp hành việc kiểm tra, giữ mối liên hệ chặt chẽ và tuân thủ sự hướng dẫn nghiệp vụ của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân quận, thị xã trong thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn phường.

Câu 20. Quan hệ công tác của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch phường với Đảng ủy phường được quy định như thế nào?

Trả lời: Theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 32/2021/NĐ-CP thì quan hệ công tác của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch phường với Đảng ủy phường được quy định như sau:

Ủy ban nhân dân, Chủ tịch phường chịu sự lãnh đạo của Đảng ủy phường trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, thị xã giao và các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

Câu 21. Quan hệ công tác của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch phường với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở phường được quy định như thế nào?

Trả lời: Theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 32/2021/NĐ-CP thì quan hệ công tác của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch phường với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở phường được quy định như sau:

Ủy ban nhân dân, Chủ tịch phường phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở phường trong thực hiện các nhiệm vụ công tác, chăm lo đời sống và bảo vệ lợi ích của Nhân dân; tạo điều kiện cho các tổ chức này hoạt động có hiệu quả; định kỳ hàng tháng hoặc khi thấy cần thiết thông báo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và các hoạt động của Ủy ban nhân dân phường để các tổ chức này biết và phối hợp, vận động, tổ chức Nhân dân chấp hành đúng đường lối chính sách, pháp luật và thực hiện tốt nghĩa vụ công dân đối với Nhà nước.

Câu 22. Quan hệ công tác của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch phường với tổ dân phố được quy định như thế nào?

Trả lời: Theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 32/2021/NĐ-CP thì quan hệ công tác của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch phường với tổ dân phố được quy định như sau:

- Chủ tịch phường phải thông tin kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các văn bản chỉ đạo, điều hành của cơ quan nhà nước cấp trên và của Ủy ban nhân dân phường đến các tổ dân phố để triển khai thực hiện; kiểm tra việc thực hiện các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước trên địa bàn; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, thực hiện tốt các quy định về thực hiện dân chủ ở phường, hoạt động tự quản của tổ dân phố.

- Chủ tịch phường phân công các công chức của phường theo dõi, nắm tình hình tại các tổ dân phố. Hàng tháng, các công chức của phường được phân công làm việc với Tổ trưởng tổ dân phố thuộc địa bàn phụ trách hoặc trực tiếp tham dự các cuộc họp của tổ dân phố để nghe phản ánh tình hình, kiến nghị và giải quyết các khiếu nại của Nhân dân theo quy định của pháp luật.

Câu 23. Số lượng công chức phường nơi thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố Hà Nội được quy định như thế nào?

Trả lời: Theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 32/2021/NĐ-CP thì số lượng công chức phường nơi thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố Hà Nội được quy định như sau:

-  Biên chế công chức bình quân làm việc tại Ủy ban nhân dân phường là 15 người. Số bình quân này được tính trên tổng số phường của một quận, thị xã.

- Căn cứ quy định trên, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội trình Hội đồng nhân dân cùng cấp phân bổ số lượng biên chế công chức của Ủy ban nhân dân phường thuộc từng quận, thị xã.

- Căn cứ vào quy định trên và yêu cầu nhiệm vụ của từng phường, Ủy ban nhân dân quận, thị xã quyết định giao cụ thể số lượng biên chế công chức của từng vị trí chức danh công chức làm việc tại Ủy ban nhân dân phường.

Câu  24. Việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức làm việc tại Ủy ban nhân dân phường đối với nơi thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội được quy định như thế nào?

Trả lời: Theo quy định tại Điều 19 Nghị định số 32/2021/NĐ-CP thì việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức làm việc tại Ủy ban nhân dân phường đối với nơi thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố Hà Nội được quy định như sau:

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, thị xã thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức làm việc tại Ủy ban nhân dân phường.

- Việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức làm việc tại Ủy ban nhân dân phường thực hiện theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và quy định của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức. Đối với chức danh Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự phường, việc bổ nhiệm thực hiện theo quy định của Luật Dân quân tự vệ.

-  Căn cứ vào số lượng, vị trí chức danh công chức làm việc tại Ủy ban nhân dân phường và nhu cầu tuyển dụng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, thị xã xây dựng kế hoạch tuyển dụng, gửi Sở Nội vụ thành phố Hà Nội có ý kiến trước khi thực hiện.

- Chủ tịch phường trực tiếp sử dụng, quản lý công chức làm việc tại Ủy ban nhân dân phường theo các nội dung sau:

+ Bố trí, phân công nhiệm vụ và kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ;

+ Thực hiện hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền thực hiện các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật;

+ Thực hiện hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, nâng lương, đánh giá, xếp loại chất lượng, khen thưởng, kỷ luật công chức của phường theo quy định;

+ Thống kê và báo cáo cấp có thẩm quyền về tình hình đội ngũ công chức của phường theo quy định;

+ Thực hiện các nội dung khác theo phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, thị xã.

Câu 25. Trình tự, thủ tục bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, biệt phái, miễn nhiệm, từ chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch phường đối với nơi thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội được quy định như thế nào?

Trả lời: Theo quy định tại Điều 20 Nghị định số 32/2021/NĐ-CP thì trình tự, thủ tục bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, biệt phái, miễn nhiệm, từ chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch phường đối với nơi thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố Hà Nội được quy định như sau:

Trình tự, thủ tục bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, biệt phái, miễn nhiệm, từ chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch phường thực hiện theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và quy định của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức.

Câu 26. Thời hạn giữ chức vụ Chủ tịch, Phó Chủ tịch phường đối với nơi thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội là bao lâu?

Trả lời: Theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 32/2021/NĐ-CP thì thời hạn giữ chức vụ Chủ tịch, Phó Chủ tịch phường đối với nơi thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội được quy định như sau:

- Thời hạn giữ chức vụ Chủ tịch, Phó Chủ tịch phường cho mỗi lần bổ nhiệm là 05 năm, tính từ thời điểm quyết định bổ nhiệm có hiệu lực.

- Chủ tịch phường không giữ chức vụ quá 10 năm liên tục ở cùng một đơn vị hành chính phường.

Câu 27. Trình tự, thủ tục và thẩm quyền khen thưởng, kỷ luật đối với công chức Ủy ban nhân dân phường tại thành phố Hà Nội được quy định như thế nào?

Trả lời: Theo quy định tại Điều 22 Nghị định số 32/2021/NĐ-CP thì trình tự, thủ tục và thẩm quyền khen thưởng, kỷ luật đối với công chức làm việc tại Ủy ban nhân dân phường tại thành phố Hà Nội được quy định như sau:

Trình tự, thủ tục và thẩm quyền khen thưởng, kỷ luật đối với công chức làm việc tại Ủy ban nhân dân phường thực hiện theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Thi đua, khen thưởng và các văn bản hướng dẫn thi hành.

 

Câu 28. Việc thực hiện nhiệm vụ về quốc phòng trên địa bàn phường tại thành phố Hà Nội được quy định như thế nào?

Trả lời: Theo quy định tại Điều 23 Nghị định số 32/2021/NĐ-CP thì việc thực hiện nhiệm vụ về quốc phòng trên địa bàn phường tại thành phố Hà Nội được quy định như sau:

- Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Ủy ban nhân dân quận, thị xã chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ về quốc phòng theo quy định của pháp luật và các nhiệm vụ cụ thể sau đây:

+ Tổ chức thực hiện nhiệm vụ quốc phòng theo quy định của pháp luật và các nhiệm vụ do cấp có thẩm quyền giao về quốc phòng;

+ Tổ chức thực hiện xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân; xây dựng thực lực, tiềm lực quốc phòng; xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc toàn diện; xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân địa phương; thực hiện giáo dục quốc phòng và an ninh; tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, tiếp nhận, tạo điều kiện giải quyết việc làm cho quân nhân xuất ngũ; phối hợp với cơ quan, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân có liên quan trong xây dựng khu vực phòng thủ theo quy định của pháp luật;

+ Tổ chức thực hiện việc xây dựng, huấn luyện, hoạt động, bảo đảm chế độ, chính sách đối với lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ tại địa phương theo quy định của pháp luật;

+ Chủ trì hoặc phối hợp xây dựng, quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng, khu quân sự, khu kinh tế - quốc phòng trên địa bàn; thực hiện các biện pháp phòng thủ dân sự; chính sách hậu phương quân đội; chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; chi viện nhân lực, vật lực, tài chính cho lực lượng vũ trang nhân dân hoạt động trên địa bàn địa phường làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, tình trạng chiến tranh;

+ Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác về quốc phòng theo quy định của pháp luật.

- Ủy ban nhân dân phường đề xuất và phối hợp thực hiện các nhiệm vụ quy định trên theo phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, thị xã.

Câu 29. Việc thực hiện nhiệm vụ về an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn phường tại thành phố Hà Nội được quy định như thế nào?

Trả lời: Theo quy định tại Điều 24 Nghị định số 32/2021/NĐ-CP thì việc thực hiện nhiệm vụ về an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn phường tại thành phố Hà Nội được quy định như sau:

- Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Ủy ban nhân dân quận, thị xã chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ về an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội theo quy định của pháp luật và các nhiệm vụ cụ thể sau đây:

+ Tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh và trật tự, an toàn xã hội theo quy định của pháp luật và các nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội do cấp có thẩm quyền giao;

+ Tổ chức thực hiện xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân vững mạnh, tham gia xây dựng lực lượng công an nhân dân, góp phần tăng cường tiềm lực bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; thực hiện giáo dục quốc phòng và an ninh theo quy định của pháp luật;

+ Giao Ủy ban nhân dân phường chỉ đạo Công an phường thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh và trật tự, an toàn xã hội; thực hiện chế độ, chính sách đối với các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở; chủ trì hoặc phối hợp xây dựng, quản lý, bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia;

+ Chỉ đạo Ủy ban nhân dân phường phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các cơ quan, tổ chức có liên quan ở phường trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh và trật tự, an toàn xã hội;

+ Chỉ đạo Ủy ban nhân dân phường chấp hành việc kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật trên địa bàn phường; tiến hành sơ kết, tổng kết việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh và trật tự, an toàn xã hội.

- Ủy ban nhân dân phường đề xuất và phối hợp thực hiện các nhiệm vụ quy định trên theo phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, thị xã.

Câu 30. Nhiệm vụ phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật trên địa bàn phường tại thành phố Hà Nội được quy định như thế nào?

Trả lời: Theo quy định tại Điều 25 Nghị định số 32/2021/NĐ-CP thì trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Ủy ban nhân dân quận, thị xã và Ủy ban nhân dân phường tổ chức thực hiện nhiệm vụ về phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật tại địa phương theo quy định của pháp luật và các nhiệm vụ cụ thể sau đây:

- Thực hiện xử lý vi phạm hành chính ở phường theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

- Tổ chức thực hiện các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác ở phường.

 

Câu 31. Việc lập dự toán ngân sách quận, thị xã, phường tại thành phố Hà Nội được quy định như thế nào?

Trả lời: Theo quy định tại Điều 26 Nghị định số 32/2021/NĐ-CP thì việc lập dự toán ngân sách quận, thị xã, phường tại thành phố Hà Nội được quy định như sau:

- Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ ngân sách địa phương; phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi cho từng cấp ngân sách ở địa phương; hướng dẫn cụ thể yêu cầu, nội dung, tài liệu xây dựng, lập, điều chỉnh dự toán ngân sách quận, thị xã, phường đảm bảo phù hợp với yêu cầu, nội dung và thời gian lập dự toán ngân sách địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

- Hằng năm, Ủy ban nhân dân phường xây dựng dự toán thu, chi ngân sách phường gửi Phòng Tài chính - Kế hoạch quận, thị xã xem xét, tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân quận, thị xã, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định. Chậm nhất là 05 ngày làm việc, kể từ ngày Hội đồng nhân dân quận, thị xã quyết định, Ủy ban nhân dân quận, thị xã giao dự toán thu, chi ngân sách cho từng phường.

Câu 32. Việc chấp hành ngân sách quận, thị xã, phường đối với nơi thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội được quy định như thế nào?

Trả lời: Theo quy định tại Điều 27 Nghị định số 32/2021/NĐ-CP thì việc chấp hành ngân sách quận, thị xã, phường đối với nơi thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội được quy định như sau:

- Căn cứ Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp, Ủy ban nhân dân quận, thị xã giao dự toán cho Ủy ban nhân dân các phường và các đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc. Trường hợp, dự toán ngân sách chưa được Hội đồng nhân dân quận, thị xã quyết định, Ủy ban nhân dân cấp phường được tạm cấp ngân sách quy định tại Luật Ngân sách nhà nước.

- Ủy ban nhân dân phường phân bổ, tổ chức thực hiện dự toán thu, chi ngân sách được giao; nộp đầy đủ, đúng hạn các khoản phải nộp ngân sách theo quy định của pháp luật; chi đúng chế độ, chính sách, đúng mục đích, đúng đối tượng, theo tiến độ thực hiện và trong phạm vi dự toán được giao.

- Trong quá trình điều hành ngân sách, trường hợp phải điều chỉnh dự toán hoặc phát sinh nhiệm vụ chi đột xuất, cấp bách, Ủy ban nhân dân phường báo cáo Ủy ban nhân dân quận, thị xã xem xét, quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Câu 33. Việc quyết toán ngân sách nhà nước đối với nơi thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội được quy định như thế nào?

Trả lời: Theo quy định tại Điều 28 Nghị định số 32/2021/NĐ-CP thì việc quyết toán ngân sách nhà nước đối với nơi thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội được quy định như sau:

- Hằng năm, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân quận, thị xã chỉ đạo Phòng Tài chính - Kế hoạch quận, thị xã phối hợp với cơ quan thuế, Kho bạc Nhà nước và các ban, ngành liên quan xét duyệt quyết toán các cơ quan, đơn vị trực thuộc và tổng hợp quyết toán ngân sách quận, thị xã.

Ủy ban nhân dân phường lập quyết toán ngân sách đơn vị dự toán ngân sách phường báo cáo Phòng Tài chính - Kế hoạch quận, thị xã xét duyệt và tổng hợp vào quyết toán ngân sách quận, thị xã báo cáo Ủy ban nhân dân quận, thị xã trình Hội đồng nhân dân cùng cấp phê chuẩn.

- Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định, hướng dẫn cụ thể về yêu cầu, nội dung, tài liệu, thời gian Ủy ban nhân dân phường gửi báo cáo quyết toán ngân sách phường đến các cơ quan, bảo đảm theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Câu 34. Nghị định số 32/2021/NĐ-CP quy định điều khoản chuyển tiếp như thế nào?

Trả lời: Điều 30 Nghị định số 32/2021/NĐ-CP quy định điều khoản chuyển tiếp như sau:

- Thời gian giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường trước ngày 01 tháng 7 năm 2021 được tính vào thời gian giữ chức vụ Chủ tịch phường theo quy định.

- Từ ngày 01 tháng 7 năm 2021, Chủ tịch, Phó Chủ tịch phường, công chức cấp xã ở phường được bầu hoặc tuyển dụng trước ngày 01 tháng 7 năm 2021 được chuyển thành công chức làm việc tại phường đang công tác; trường hợp chuyển sang vị trí việc làm mới thì công chức phải bảo đảm điều kiện, tiêu chuẩn phù hợp vị trí việc làm đó.

Phòng Nội vụ quận, thị xã rà soát hồ sơ công chức cấp xã đang làm việc tại Ủy ban nhân dân phường để báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, thị xã. Sau khi có ý kiến thẩm định của Sở Nội vụ thành phố Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, thị xã ban hành quyết định chuyển công chức cấp xã đang làm việc tại Ủy ban nhân dân phường thành công chức do Ủy ban nhân dân quận, thị xã quản lý.

Việc bổ nhiệm ngạch và xếp lương đối với công chức làm việc tại Ủy ban nhân dân phường do Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, thị xã có văn bản đề nghị Sở Nội vụ thành phố Hà Nội xem xét, quyết định hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của pháp luật.

- Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng công chức làm việc tại Ủy ban nhân dân phường đáp ứng tiêu chuẩn công chức và yêu cầu công việc.

Câu 35. Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội có hiệu lực thi hành từ khi nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 8 Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội thì Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2021.

Trường hợp có quy định khác nhau về cùng một vấn đề giữa Nghị quyết số 97/2019/QH14 với luật, nghị quyết khác của Quốc hội được ban hành trước thời điểm Nghị quyết số 97/2019/QH14 có hiệu lực thì áp dụng theo quy định của Nghị quyết này.

Câu 36. Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội quy định điều khoản chuyển tiếp như thế nào?

Trả lời:

Điều 9 Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội quy định điều khoản chuyển tiếp như sau:

- Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân quận, thị xã thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Nghị quyết số 97/2019/QH14 kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026.

- Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân phường nhiệm kỳ 2016 - 2021 kết thúc nhiệm vụ vào ngày 30 tháng 6 năm 2021.

Kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2021, Ủy ban nhân dân phường thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Nghị quyết số 97/2019/QH14. Trường hợp Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, thị xã chưa bổ nhiệm được Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường thì Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường nhiệm kỳ 2016 - 2021 tiếp tục tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân phường theo quy định của Nghị quyết số 97/2019/QH14 cho đến khi Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường mới được bổ nhiệm.

Văn bản của chính quyền địa phương ở phường nhiệm kỳ 2016 - 2021 được ban hành trước ngày 01 tháng 7 năm 2021, nếu chưa được cơ quan có thẩm quyền thay thế hoặc bãi bỏ thì vẫn được áp dụng.

- Các quận, thị xã, thành phố, phường tại thành phố Hà Nội được thành lập kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành không thuộc phạm vi thực hiện thí điểm theo quy định của Nghị quyết số 97/2019/QH14. Việc tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương tại các đơn vị hành chính này thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Bình chọn Bình chọn

Theo bạn, giao diện Cổng thông tin điện tử phường đã đẹp hay chưa?