Thông tin cần thiết khác
1. Giải quyết kiến nghị trong quá trình lựa chọn nhà thầu
a) Trình tự thực hiện:
- Khi thấy quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị ảnh hưởng, nhà thầu có quyền gửi văn bản kiến nghị đến chủ đấu tư đối với dự án, bên mời thầu đối với mua sắm thường xuyên, mua sắm tập trung từ khi xảy ra sự việc đến trước khi có thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu;
- Chủ đầu tư, bên mời thầu phải có văn bản giải quyết kiến nghị gửi đến nhà thầu trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị của nhà thầu;
- Trường hợp chủ đầu tư, bên mời thầu không có văn bản giải quyết kiến nghị hoặc nhà thầu không đồng ý với kết quả giải quyết kiến nghị thì nhà thầu có quyền gửi văn bản kiến nghị đến người có thẩm quyền trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày hết hạn trả lời hoặc ngày nhận được văn bản giải quyết kiến nghị của chủ đầu tư, bên mời thầu.
b) Cách thức thực hiện:
- Gửi đơn kiến nghị trực tiếp hoặc thông qua đường bưu điện
c) Thành phần hồ sơ:
- Đơn kiến nghị nêu rõ nội dung kiến nghị;
d) Số lượng hồ sơ:
- 01 bản gốc
đ) Thời hạn giải quyết:
07 ngày làm việc đối với chủ đầu tư và bên mời thầu kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị của nhà thầu, 05 ngày làm việc đối với người có thẩm quyền kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị của nhà thầu.
e) Cơ quan thực hiện:
- Bên mời thầu (cơ quan thuộc UBND xã được giao nhiệm vụ làm bên mời thầu).
- Chủ đầu tư (UBND xã, cơ quan thuộc huyện được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư).
- Người có thẩm quyền (Chủ tịch UBND xã).
g) Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính:
Tổ chức, cá nhân
h) Kết quả thực hiện thủ tục hành chính:
Văn bản giải quyết kiến nghị.
i) Lệ phí:
Không có
k) Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai (đính kèm):
Không có
l) Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục (nếu có):
- Đơn kiến nghị là của nhà thầu tham dự thầu
- Đơn kiến nghị phải có chữ ký của người ký đơn dự thầu hoặc đại diện hợp pháp của nhà thầu, được đóng dấu (nếu có)
- Người có trách nhiệm giải quyết kiến nghị nhận được đơn kiến nghị theo quy định tại Điều 92 của Luật Đấu thầu.
- Nội dung kiến nghị đó chưa được nhà thầu khởi kiện ra Tòa án.
m) Căn cứ pháp lý của thủ tục hành chính:
- Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 ngày 26/11/2013;
- Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.
2. Giải quyết kiến nghị về kết quả lựa chọn nhà thầu
a) Trình tự thực hiện:
- Khi thấy quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị ảnh hưởng, nhà thầu có quyền gửi văn bản kiến nghị đến chủ đấu tư đối với dự án, bên mời thầu đối với mua sắm thường xuyên, mua sắm tập trung trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu;
- Chủ đầu tư, bên mời thầu phải có văn bản giải quyết kiến nghị gửi đến nhà thầu trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị của nhà thầu;
- Trường hợp chủ đầu tư, bên mời thầu không có văn bản giải quyết kiến nghị hoặc nhà thầu không đồng ý với kết quả giải quyết kiến nghị thì nhà thầu có quyền gửi văn bản kiến nghị đến người có thẩm quyền và Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày hết hạn trả lời hoặc ngày nhận được văn bản giải quyết kiến nghị của chủ đầu tư, bên mời thầu;
- Khi nhận được văn bản kiến nghị, Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị có quyền yêu cầu nhà thầu, chủ đầu tư, bên mời thầu và các cơ quan liên quan cung cấp thông tin để xem xét và có văn bản báo cáo người có thẩm quyền về phương án, nội dung trả lời kiến nghị trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị của nhà thầu;
- Trong trường hợp cần thiết, Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị căn cứ vào văn bản kiến nghị của nhà thầu đề nghị người có thẩm quyền xem xét, tạm dừng cuộc thầu. Văn bản tạm dừng cuộc thầu được tính từ ngày chủ đầu tư, bên mời thầu nhận được thông báo tạm dừng cho đến khi người có thẩm quyền ban hành văn bản giải quyết kiến nghị;
- Người có thẩm quyền ban hành quyết định giải quyết kiến nghị về kết quả lựa chọn nhà thầu trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả bằng văn bản của Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị.
b) Cách thức thực hiện:
- Trực tiếp hoặc thông qua đường bưu điện
c) Thành phần hồ sơ:
- Đơn kiến nghị nêu rõ nội dung kiến nghị;
d) Số lượng hồ sơ:
- 01 bản gốc
đ) Thời hạn giải quyết:
07 ngày làm việc đối với chủ đầu tư và bên mời thầu kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị của nhà thầu, Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị trong vòng 20 ngày, 05 ngày làm việc đối với người có thẩm quyền kể từ ngày nhận được ý kiến bằng văn bản của Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị hoặc nhận được đơn kiến nghị của nhà thầu.
e) Cơ quan thực hiện:
- Bên mời thầu (cơ quan thuộc UBND xã được giao nhiệm vụ làm bên mời thầu).
- Chủ đầu tư (UBND xã, cơ quan thuộc xã được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư).
- Người có thẩm quyền (Chủ tịch UBND xã).
- Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị do người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu ở xã thành lập.
g) Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính:
Tổ chức, cá nhân
h) Kết quả thực hiện thủ tục hành chính:
Văn bản giải quyết kiến nghị
i) Lệ phí:
Chi phí cho Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị là 0,02% giá dự thầu của nhà thầu có kiến nghị, tối thiểu là 1.000.000 đồng và tối đa là 50.000.000 đồng
k) Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai (đính kèm):
Không có
l) Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục (nếu có):
- Kiến nghị là của nhà thầu tham dự thầu, gửi đến chủ đầu tư, bên mời thầu trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu;
- Đơn kiến nghị phải có chữ ký của người ký đơn dự thầu hoặc đại diện hợp pháp của nhà thầu, được đóng dấu (nếu có);
- Người có trách nhiệm giải quyết kiến nghị nhận được đơn kiến nghị theo quy định tại Điều 92 của Luật Đấu thầu.
- Nội dung kiến nghị đó chưa được nhà thầu khởi kiện ra Tòa án.
m) Căn cứ pháp lý của thủ tục hành chính:
- Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 ngày 26/11/2013;
- Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.
Ghi chú:- Các chữ in nghiêng là nội dung sửa đổi, bổ sung mới.
- Cấp trung ương: Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan khác ở Trung ương, bộ phận giúp việc liên quan cho Lãnh đạo Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ,
- Cấp tỉnh: UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các sở thuộc UBND tỉnh và cơ quan khác ở địa phương cấp tỉnh,
- Cấp huyện: UBND quận, huyện, các phòng chức năng thuộc UBND quận, huyện, cơ quan khác thuộc cấp huyện ở địa phương,
- Cấp xã: UBND cấp xã, cơ quan khác thuộc cấp xã ở địa phương.